Ngày 16/4/2024, UBND xã Sơn Thành Đông phối hợp cùng Hội liên hiệp phụ nữ xã ,tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho 17 hộ dân thuộc dự án nuôi bò thịt thương phẩm.
ông Trần Khắc Dũng, Bác sỹ thú y thuộc Trạm chăn nuôi và thú y huyện
Tại hội nghị, ông Trần Khắc Dũng, Bác sỹ thú y thuộc Trạm chăn nuôi và thú y huyện do UBND xã mời về phổ biến kiến thức chọn giống, kỹ thuật chăn nuôi, vỗ béo bò thịt; kỹ thuật ủ một số loại phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho bò; kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học trong xử lý môi trường chăn nuôi bò; khử trùng tiêu độc chuồng trại theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y, cách nhận biết và phòng chống một số bệnh thường gặp, những thức ăn nên tránh, xử lý khi bò bỏ ăn…. Tại đây các hộ dân được trao đổi kinh nghiệm, giải đáp các thắc mắc xung quanh về các loại dịch bệnh trên đàn bò, phương pháp nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao.
Lớp tập huấn giúp các hộ chăn nuôi bò có thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phát triển đàn bò thịt, góp phần phát triển chăn nuôi bò an toàn, bền vững, đảm bảo môi trường, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Dự án nuôi bò thịt hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo bền vững (trong vòng 24 tháng) trên địa bàn xã Sơn Thành Đông là Dự án hỗ trợ cho 17 hộ gia đình hội viên phụ nữ, gồm 02 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo và 01 hộ thoát nghèo, tổng kinh phí dự án là 953,4 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ vốn theo dự án là 504,9 triệu đồng; gồm đầu tư chi phí mua 23 con bò đực giống ban đầu, chi hỗ trợ vật tư, thuốc thú y, tập huấn, hỗ trợ dự án và quản lý dự án, thời gian hỗ trợ vốn là 24 tháng, vốn đối ứng của 17 hộ tham gia dự án 448,5 triệu đồng gồm công chắm sóc, thức ăn, nước uống, chuồng trại... Sau thời gian thực hiện dự án, UBND xã sẽ là cơ quan đại diện thu lại 15% số tiền hỗ trợ lúc ban đầu và nộp về Ban Điều hành huyện để chuyển giao cho các dự án khác. Số vốn còn lại sẽ được hỗ trợ nuôi tiếp tục. Hàng tháng, hàng quí, tổ trưởng của dự án này sẽ báo cáo định kì về tình hình chăn nuôi của bà con, nếu có phát sinh dịch bệnh thì bên thú y sẽ hỗ trợ cho bà con, giám sát các hộ việc sử dụng tài sản sau hỗ trợ.
Hộ gia đình tham gia dự án sẽ được áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc chăn nuôi, ổn định đời sống kinh tế, hạn chế tư tưởng trông chờ ủy lại, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.